Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Giới hạn cho khả năng con người: Ai, "siêu nhân"?

Bơi 1,6km trong vùng biển băng giá ngoài khơi Nam Cực. Hít một hơi rồi lặn xuống độ sâu hơn 150m, hoặc trèo lên các ngọn núi cao nhất thế giới mà không cần bình oxy... Họ quyết định kiểm tra thân thể và ý chí của mình, và... thách thức y học định nghĩa lại giới hạn chịu đựng của con người. Không có chuyện siêu nhân ở đây!

Nói về những chuyến phiêu lưu nghiên cứu y học của mình tại những địa điểm nguy hiểm như rừng Amazon và núi Everest, TS Kenneth Kamler, tác giả cuốn sách ""Vượt qua các giới hạn tận cùng"", cho biết: ""Thật khó để giải thích làm cách nào họ lại có thể làm được những điều đó bởi nếu căn cứ vào những con số ở Trường Y, khả năng đó là không thể. Tuy nhiên, điều này đã xảy ra ở mọi loại hoạt động của con người. Con người vượt qua điều mà các tính toán cho là giới hạn của họ"".

Suỵt, Tanya đang hít một hơi thật sâu kìa...

Gioi han cho kha nang con nguoi Ai sieu nhan
Tanya Streeter.

Phổi và ý chí của Tanya Streeter đã giúp cô phá kỷ lục thế giới trong lĩnh vực lặn tự do - môn thể thao buộc các vận động viên phải so tài lặn sâu dưới mặt nước và chỉ được hít một hơi. Trong năm 2002, Tanya đã lặn xuống độ sâu 160m, tương đương với toà nhà 50 tầng, mà chỉ cần hít một hơi duy nhất trước khi lao xuống nước. Và Tanya, một cư dân bản địa ở quần đảo Cayman, đã lập kỷ lục mới, khiến cho thế giới sửng sốt trước tài nín thở của cô: 6 phút 16 giây. Chỉ thiếu 5 giây nữa là cô có thể trở thành người phụ nữ nín thở (nhưng không phải lặn sâu) lâu nhất thế giới.

Nghiên cứu hiện tượng chịu đựng tốt tình trạng thiếu oxy này, GS Ed Coyle thuộc ĐH Texas khám phá ra Tanya có thể tích phổi lớn gần gấp hai lần so với những phụ nữ có cùng kích thước. Ông cũng tập trung vào mức oxy trong máu của Tanya khi cô nín thở. Trong phòng phẫu thuật, các bác sĩ coi mức bão hoà oxy trong máu (dưới 70%) là điểm mà tại đó não và tim có thể bị tổn thương do thiếu oxy. Đối với Tanya, mức oxy bão hoà ở dưới 50%.

Tanya hy vọng khả năng của mình có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn các chứng bệnh như hen suyễn, ngừng thở khi ngủ, hoặc hội chứng đột tử trong nôi nơi trẻ sơ sinh,... đồng thời giúp mọi người xác định lại những giới hạn của chính họ. Cô nói: ""Các bạn phải chấp nhận rằng ở một nơi nào đó trong cơ thể, bạn có một giới hạn cá nhân. Tuy nhiên, có khả năng là giới hạn đó sẽ xa hơn, sâu hơn và dài hơn so với bạn nghĩ"".

"Bộ đồ ướt nội tại" của Cox

Gioi han cho kha nang con nguoi Ai sieu nhan
Lynne Cox.

Lynne Cox đã đẩy lùi các giới hạn trong hơn 30 năm qua. Khi 14 tuổi, cô hoàn thành một chặng bơi dài 43km qua eo biển Catalina ở California. Một năm sau, cô bơi qua eo biển Anh trong thời gian nhanh nhất, vượt qua kỷ lục lúc đó của cả nam lẫn nữ. Trong nhiều năm, Cox luyện tập bơi đường dài trong nước băng giá, môi trường có thể giết một người bình thường chỉ trong vài phút. Quá trình luyện tập của cô lên tới đỉnh điểm vào năm 2002 với việc bơi hơn 1,6km qua vùng biển lạnh 0 độ. Sự kiện này được kể lại trong cuốn hồi ký ""Bơi tới Nam Cực của cô"".

Vậy làm thế nào mà Cox, chỉ với một bộ quần áo bơi bảo vệ, lại đạt được những kỳ tích ấy, trong khi phần lớn mọi người sẽ bị tổn thương vĩnh viễn hoặc thiệt mạng nếu bắt chước làm theo như vậy?

Để khám phá khả năng phi thường này, các bác sĩ thuộc ĐH California - Santa Barbara đã từng yêu cầu Cox... nuốt một chiếc nhiệt kế tí hon có gắn máy phát tín hiệu radio. Cox nói rằng không giống phần lớn người khác, cơ thể của cô ấm hơn khi cô bơi trong nước lạnh: ""Tôi bơi bốn giờ trong nước có nhiệt độ 10 độ C và thân nhiệt của tôi tăng từ 36,4 lên 37,8 độ C"".

Theo các bác sĩ, là một vận động viên dẻo dai tầm cỡ Olympic, Cox có thể buộc cơ bắp của cô làm việc nặng nhọc và dài tới độ cơ thể tạo ra nhiều nhiệt hơn so với lượng nhiệt mất đi. Nhiệt đó được giữ bên trong ""bộ đồ ướt nội tại"" theo cách gọi của Cox: một lớp mỡ mỏng, tăng thêm, phủ đều quanh cơ thể của cô. Cox nói: ""Bơi tới Nam Cực thật tuyệt vời song cũng vô cùng khắc nghiệt vì bạn biết rằng nếu ở trong vùng nước lạnh quá lâu, tim mình sẽ ngừng đập. Tuy nhiên, tôi nhận biết rằng mình thực sự ở đó và có thể đẩy lùi giới hạn của chính mình đi rất xa"".

"Dời non lấp bể" mà không cần... doping

Svend Karlsen và Jon Andersen đã ""ném"" những giới hạn sức mạnh của con người qua cửa sổ. Họ là hai trong số ít vận động viên thể lực chuyên nghiệp trên thế giới. Cơ thể nặng hơn 135kg của họ là nhân tố quyết định.

Gioi han cho kha nang con nguoi Ai sieu nhan
Svend Karlsen.

Là vận động viên kỳ cựu trong môn thể thao nâng, đẩy và kéo vật nặng, Karlsen, 29 tuổi, đã phá 30 kỷ lục nâng vật nặng của Na Uy. Trong năm 2001, anh giành được danh hiệu người đàn ông khoẻ nhất thế giới. Karlsen tự nhận xét về mình như sau: ""Tôi có thể làm được những điều mà tôi biết hầu như không có ai có thể làm được trên Trái đất. Tài nâng những vật to lớn nằm sẵn trong... gien của tôi"". Quả thật, Karlsen đã nâng được những tạ nặng đến 410kg, hay kéo, đẩy xe tải, v.v...

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Pennsylvania đang nghiên cứu xem gien đóng vai trò ở mức nào đối với thành công của một người đàn ông khoẻ. Khi họ tiêm một gien được gọi là IGF-I vào cơ, nó không chỉ tăng khối lượng mà còn duy trì khối lượng cơ này cho tới khi quá trình huấn luyện kết thúc. Nghiên cứu này có thể giúp ngăn chặn tình trạng suy biến khối lượng cơ ở người cao tuổi hoặc những người mắc bệnh loạn dưỡng cơ. Tuy nhiên, nó làm dấy lên những nghi ngờ về việc các vận động viên có thể lạm dụng loại gien này như một thứ doping. Liên đoàn Vận động viên thể lực quốc tế cho biết: Vận động viên được kiểm tra hai lần mỗi năm để phát hiện 30 chất bị cấm, song IGF-I chưa nằm trong số này!

Anderson, người khoẻ thứ tư ở Mỹ, cho biết anh đã chứng kiến hiện tượng lạm dụng steroid trong môn thể thao này. Riêng anh, Anderson thích đẩy lùi giới hạn của chính mình một cách tự nhiên. Anh luyện tập 12 giờ mỗi tuần và ăn 11kg thịt bò cũng như uống 14 loại chất bổ sung theo nhịp định kỳ bảy ngày một lần. Anderson cho biết: ""Nếu các bạn dành năm năm trong cuộc đời và thực sự chú tâm vào một việc gì đó, khi kết thúc thời gian này, bạn sẽ đạt được những kết quả to lớn"".

Chinh phục mọi ngọn núi cao nhất

Ed Viesturs được gọi là vận động viên mạo hiểm số một thế giới và là ""chiếc xe tải Chevy leo núi"". Không cần sử dụng bình oxy hỗ trợ, anh đã trèo lên đỉnh Everest năm lần và tới được 13 trong số 14 đỉnh núi cao nhất trên thế giới, tất cả đều cao hơn 7.800m. Mùa xuân này, anh sẽ cố trèo lên đỉnh ngọn Annapurrna ở dãy Himalaya, đỉnh núi cao cuối cùng trong 14 đỉnh cao nhất mà anh đã và mong sẽ chinh phục được.

Gioi han cho kha nang con nguoi Ai sieu nhan
Ed Viesturs.

Có ít nhất 12.000 người đã trèo lên núi Everest, phần lớn đều mang bình oxy để giúp họ thở. Do không khí loãng nên người trèo chỉ hít chừng 30% oxy mà họ thường có ở mực nước biển. Có một điểm trong lĩnh vực trèo núi được xem là "vùng chết", nơi không có đủ oxy để duy trì sự sống. Tuy nhiên, Viesturs tin rằng con người có thể vượt qua vùng đó. Anh nói: ""Everest cao 8.840m, song chúng ta đã leo tới được đó. Nếu có một đỉnh núi cao 9.000m, tôi chắc rằng con người cũng có thể leo đến nơi. Tôi không nghĩ chúng ta đã tới được giới hạn của chính mình"".

Viesturs bộc bạch: ""Tôi thích những điều khó khăn về mặt thể chất cũng như tinh thần, những điều thực sự thách thức mà có thể mất một thời gian dài song thực sự đẩy tôi tới những giới hạn của mình". Theo Viesturs, cơ thể của anh có thể thích ứng hiệu quả hơn với độ cao so với phần lớn người khác. Các bác sĩ cũng nói rằng Viesturs có dung tích phổi 7 lít, so với 5 lít ở một người trung bình có cùng chiều cao như anh.

Kamler, bác sĩ đồng thời là nhà thám hiểm, cũng đồng ý với quan điểm của Viesturs và nói rằng ông kinh ngạc trước những khả năng của con người. Ông nói: ""Tôi sẵn sàng xem xét mọi thứ có thể liên quan tới cơ thể người. Và khi tôi càng nghiên cứu cơ thể con người nhiều hơn, tôi càng sửng sốt hơn khi thấy khả năng của nó"".

  • Minh Sơn (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét